Di tích lịch sử - văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình nhắc nhớ về truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của cha ông.
Không phải ngẫu nhiên mà tên gọi Ba Đình lại trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, nằm trên địa bàn xã, là một trong những di tích lịch sử cấp quốc gia tiêu biểu, gắn với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX. Chính nơi đây, nghĩa quân Ba Đình đã dựng lũy kháng Pháp bằng lòng yêu nước sắt đá và tinh thần bất khuất, để lại những trang sử hào hùng và là cảm hứng đặt tên cho Quảng trường Ba Đình tại thủ đô Hà Nội sau này.
Cảnh lung linh huyền ảo bên trong hang động Từ Thức (Nga Thiện cũ)
Cùng với di tích lịch sử ấy, Ba Đình còn sở hữu Động Từ Thức – thắng cảnh cấp quốc gia kỳ vĩ, mê hoặc lòng người bởi truyền thuyết tình yêu Từ Thức – Giáng Hương, gắn với tín ngưỡng dân gian và giá trị nghệ thuật thiên nhiên độc đáo. Đây là điểm đến tâm linh – sinh thái giàu tiềm năng, có thể trở thành trung tâm thu hút khách du lịch trong hành trình khám phá du lịch phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.
Đền thờ, Bia Lê Thị Hoa nữ tướng thời Hai Bà Trưng (Nga Thiện cũ)
Không dừng lại ở đó, sáu di tích cấp tỉnh phân bố tại các vùng Nga Thiện, Nga Vịnh, Nga Trường như mộ và đền thờ Trịnh Minh, bia thờ nữ tướng Lê Thị Hoa, Đình Tuân Đạo, nhà thờ họ Nguyễn Trọng, Nghè Đông Kinh, Động Bạch Á... là những hạt ngọc quý trong kho tàng văn hóa – lịch sử địa phương. Mỗi di tích là một câu chuyện, một huyền thoại, một lớp trầm tích văn hóa được lưu giữ qua bao thế hệ. Khi được kết nối trong cùng một địa giới hành chính mới, xã Ba Đình chính là “một bảo tàng sống” – nơi có thể tổ chức các tour du lịch kết nối di sản đặc biệt hấp dẫn.

Đền thờ đại tướng Trịnh Minh ở thôn Ngũ Kiên (Nga Thiện cũ)
Không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, Ba Đình còn mang đậm nét du lịch nông thôn nguyên sơ, dung dị mà cuốn hút. Những cánh đồng trải dài vùng Nga Vịnh, làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, lễ hội làng giàu bản sắc – tất cả hợp lại thành một “không gian văn hóa sống” mà ít nơi nào còn giữ được trọn vẹn như ở đây. Chính quyền xã đang từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa, giáo dục truyền thống và sản phẩm đặc trưng địa phương. Những không gian như Động Từ Thức – Ba Đình – Động Bạch Á – Đền Lê Thị Hoa có thể hình thành tuyến du lịch sinh thái – lịch sử – tâm linh liên hoàn, mở ra hướng phát triển du lịch xanh, du lịch học đường và du lịch cuối tuần.
Sau khi sáp nhập, xã Ba Đình mới có điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để quy hoạch du lịch bài bản, khoa học và có tầm nhìn dài hạn. Việc các di tích trước đây thuộc nhiều xã khác nhau nay quy tụ trong cùng một đơn vị hành chính sẽ tăng tính liên kết, thuận lợi cho phát triển tuyến – điểm du lịch. Đồng thời, việc kiện toàn bộ máy chính quyền, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số trong quảng bá du lịch... là những động lực mới thúc đẩy Ba Đình chuyển mình. Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và các lực lượng xã hội chính là yếu tố then chốt. Từng bước, Ba Đình có thể hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như: tham quan căn cứ khởi nghĩa – giáo dục truyền thống cho học sinh; du lịch hang động kết hợp lễ hội tín ngưỡng; du lịch làng nghề và trải nghiệm mùa gặt; tổ chức hội thảo về văn hóa – lịch sử địa phương...
Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn – đó còn là một sứ mệnh văn hóa. Ngày Du lịch Việt Nam 9/7/2025 là dịp để xã Ba Đình lan tỏa hình ảnh vùng đất anh hùng, giàu bản sắc và ẩn chứa nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong tương lai không xa, với sự chung tay của toàn xã hội và tầm nhìn chiến lược, Ba Đình có thể không chỉ là miền ký ức lịch sử – mà sẽ trở thành một điểm đến văn hóa – tâm linh – trải nghiệm đặc sắc trên bản đồ du lịch xứ Thanh và cả nước. Với quá khứ đáng tự hào, hiện tại chuyển mình mạnh mẽ và tương lai rộng mở, Ba Đình đang sẵn sàng đón du khách bằng tất cả sự chân tình, bản sắc và chiều sâu của một vùng đất thiêng.